Không sử dụng PP tâm linh để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Đó là quan điểm chung của tất cả các thành viên trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án Xác định danh tính hài cốt lịêt sĩ còn thiếu thông tin vừa được Bộ Lao động – TBXH phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Khoa học Công nghệ… tổ chức chiều 9/2/2012.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-TBXH đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Đề án đặt ra mục tiêu, trong giai đoan 2012-2015, sẽ xác định danh tính cho 25.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó thông qua phương pháp giám định gen sẽ xác định danh tính cho khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ. Giai đoạn 2015-2020, tập trung xác định danh tính cho khoảng 63.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó khoảng 50.000 người được xác định bằng phương pháp gen.

Để thực hiện được mục tiêu này, đề án đưa ra 4  nhóm giải pháp chính là thông tin, tuyên truyền, xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và ứng dụng phương pháp giám định gen.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận xung quanh vấn đề tên gọi của đề án, có nên coi vấn đề xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh, ngoại cảm là một trong những phương pháp, kênh thông tin tham khảo để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ không. Về vấn đề này, một đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, không nên coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vì độ phức tạp rất lớn, chưa có cơ sở pháp lý kiểm tra, hơn nữa sẽ gây tâm lý lợi dụng thực hiện tràn lan. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần khảo sát khoanh vùng xác định liệt sĩ.

Còn ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, cần phải có quy định về tiêu chuẩn, định chế xác định nhà ngoại cảm, nên xem xét rà soát lại tất cả các trung tâm để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động tìm kiếm bằng ngoại cảm. Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, gồm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và thân  nhân của họ. Không phải đối tượng nào cũng dùng phương pháp giám định gen để xác định vì khối lượng xác định lớn, gây tốn kém, không cần thiết mà nên chọn nhóm ưu tiên như chọn theo nghĩa trang. Ông Lạng cũng đồng ý về việc thành lập thêm 1 trung tâm như đề án đưa ra với quy mô lớn để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời phải đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế chính sách cụ thể.

Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cũng đồng tình với các quan điểm trên và cho rằng, ngoại cảm chưa đủ điều kiện để được coi là phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ. Đồng thời đưa ra hai phương án xác định hài cốt liệt sĩ là: Xây dựng cơ sở dữ liệu, cụ thể là lấy mẫu sinh phẩm liệt sĩ trong ngân hàng mẫu để xác định đối chứng, so sánh với mẫu sinh phẩm của thân nhân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay,  phương pháp này khó thực hiện vì hiện nay số hài cốt cần xác định danh tính rất lớn. Theo thống kê, cả nước hiện có  trên 300.000 liệt sĩ  đã được quy tập trong nghĩa trang nhưng chưa có thông tin và khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Phương án 2 là chọn theo nhóm đối tượng để giám định gen. Cụ thể là tập trung phân tích mẫu sinh phẩm ở những mộ có tranh chấp và mộ có một phần thông tin./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *